Nguồn gốc Chúa_Nguyễn

Nguyễn Kim, cha của chúa Nguyễn đầu tiên Nguyễn Hoàng, được một số sách chép là con của Nguyễn Hoằng Dụ, và là cháu của Nguyễn Văn Lang. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Đinh Công Vĩ thì cha của Nguyễn Kim là Nguyễn Văn Lưu, em họ của Trường Lạc hoàng thái hậu Nguyễn Thị Hằng và là anh họ của Nguyễn Văn Lang. Tức Nguyễn Kim là chỉ là cháu họ của Nguyễn Đức Trung và là anh họ của Nguyễn Hoằng Dụ.

Theo tác giả Đinh Công Vĩ, khảo cứu 7 nguồn gia phả họ Nguyễn khác nhau tại sách ‘‘Nhìn lại lịch sử’’, các phả họ Nguyễn nói chung có sự khác nhau về vấn đề khẳng định hoặc không khẳng định việc đưa Nguyễn Trãi vào, cho rằng ông là cha của Nguyễn Công Duẩn; còn thông tin từ đời Nguyễn Đức Trung trở đi, các gia phả đều thống nhất rằng: Nguyễn Hoằng Dụ chỉ là em họ của Nguyễn Kim. Theo đó, Nguyễn Công Duẩn sinh bảy con trai, sau phân thành 7 chi. Chỉ xét 4 chi:

  1. Chi đầu là Nguyễn Đức Trung, sau được phong Thái úy Trình quốc công. Ông là tổ họ Nguyễn Hữu, sinh được 14 con, trong đó con gái thứ 2 là Nguyễn Thị Hằng. Thái phó Tĩnh quốc công Nguyễn Hữu Dật là hậu duệ của ông.
  2. Chi 4 là Nguyễn Như Trác, sau được phong Thái bảo Phó quốc công. Ông là tổ của dòng hoàng tộc Nguyễn Phúc, sinh Nguyễn Văn Lưu. Văn Lưu sinh ra Nguyễn Kim.
  3. Chi 5 là Nguyễn Văn Lỗ, sau được phong Thái úy Sảng quốc công. Ông là tổ họ Nguyễn Gia (Liễu Ngạn, Bắc Ninh), sinh ra Nguyễn Văn Lang, Văn Lang sinh Nguyễn Hoằng Dụ. Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều là hậu duệ của ông.
  4. Chi 7 là Nguyễn Bá Cao, sau được phong Thái phó Phổ quốc công. Ông là tổ họ Nguyễn Cửu, sinh được 2 trai. Phó tướng Nguyễn Cửu Kiều là hậu duệ của ông.

Còn một minh chứng nữa mà tác giả Đinh Công Vĩ nêu ra: Ở Triệu miếu (Huế) và Nguyên miếu (Gia Miêu ngoại trang) chỉ thờ Nguyễn Văn Lưu là cha đẻ thực của Nguyễn Kim mà không thờ Nguyễn Hoằng Dụ, cha Nguyễn Kim như sử chép. Mặt khác, mộ cha Hoằng Dụ là Nguyễn Văn Lang ở làng Tam Quy xã Hà Tân, Hà Trung, Thanh Hoá chỉ do con cháu chi 5, nay đã đổi ra họ Đỗ Nguyễn trông nom, họ Nguyễn Phúc không có nhiệm vụ trông nom mộ Nguyễn Văn Lang. Trong các nguồn gia phả, có cuốn do Quỳnh Sơn hầu Nguyễn Lữ là em ruột Nguyễn Văn Lang soạn năm 1515, khi đó những người đang được đề cập còn sống[1].